Chi Phí Được Trừ Khi Tính Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp || Hiểu đúng và đủ

Việc xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp rất quan trọng, giúp giảm thuế phải nộp, hạn chế rủi ro bị truy thu và phạt thuế, đồng thời cũng là một tiêu chí đánh giá khả năng áp dụng pháp luật thuế, và pháp luật kế toán của người làm kế toán.

CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ KHI TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

“Chi phí được trừ”; “chi phí chiết trừ”; “chi phí hợp lý hợp lệ”, trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp là cùng ý nghĩa. Cụm từ trên được sử dụng rất phổ biến trong nghề kế toán.

Trong pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng, không có định nghĩa thế nào là chi phí hợp lý hợp lệ một cách chắc chắn, bởi lẽ chi phí hợp lý hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế rất đa dạng và phức tạp nên không thể quy định thành một khái niệm chung. Nó tùy thuộc vào quan hệ điều hành ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ. Các nhà làm luật cũng luôn cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa chi phí kế toán và chi phí thuế.

Mặc dù pháp luật thuế không định nghĩa nhưng có quy định về điều kiện chi phí được trừ, khi xác định thu nhập chịu thuế. Hiện tại, theo Thông tư 96/2015 có thể hiểu chi phí được trừ, nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

Điều kiện 1: Khoản chi thực tế phát sinh, liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều kiện 2: Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.

Điều kiện 3: Khoản chi, nếu có hoá đơn mua hàng hoá dịch vụ từng lần mà có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên; khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán, không dùng tiền mặt.

ĐIỀU KIỆN KHI ÁP DỤNG CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ KHI TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Với mỗi điều kiện, chúng ta có các nội dung cần lưu ý như sau:

Trong điều kiện 1:

Lưu ý, khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì phải theo danh mục cho phép của pháp luật thuế.

Khoản chi thực tế phát sinh của doanh nghiệp có thể khác khoản chi thực tế phát sinh của thuế cho phép. Chẳng hạn các khoản chi, mặc dù thực tế có phát sinh nhưng sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:  

  • Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa phần vượt mức tiêu hao hợp lý theo định mức tiêu hao hợp lý do nhà nước ban hành.
  • Phần vượt trên 5 triệu đối với tiền chi trang phục cho người lao động.
  • Chi phí khấu hao vượt khung thuế quy định.

Trong điều kiện 2:

Lưu ý, khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật, có nghĩa phải tuân thủ theo quy định về chứng từ theo pháp luật kế toán và theo pháp luật thuế.

Quy định chứng từ theo pháp luật thuế thường “nhiêu khê” và “khó khăn” hơn chứng từ theo quy định của pháp luật kế toán. Đồng thời chi phí phát sinh theo thuế, thường có quy định chứng từ cụ thể, cho từng trường hợp.

Chẳng hạn các khoản chi sau sẽ bị loại khi xác định thu nhập chịu thuế nếu không đáp ứng đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định:

  • Chi phí trích lập và sử dụng các khoản dự phòng không đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính về trích lập dự phòng và không có hồ sơ chứng minh cho việc trích lập.
  • Các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, làm nhà cho người nghèo, không có hồ sơ xác nhận khoản tài trợ.
  • Giảm giá hàng hóa, chiết khấu khuyến mãi không có đủ hồ sơ theo pháp luật thuế.

Trong điều kiện 3:

Lưu ý:

  • Trường hợp mua hàng hóa dịch vụ, mà từng lần mua có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, ghi trên hóa đơn, mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán, thì được tính vào chi phí được trừ.
  • Trường hợp đến hạn thanh toán, mà doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ, không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, vào kỳ tính thuế phát sinh.

Qua bài viết trên, Kiểm toán AS hy vọng bạn đọc có thể hiểu đúng và đủ, chi phí được trừ khi xác định chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, là kiến thức không thể thiếu đối với người làm kế toán. 

phone
chat zalo chat facebook