Chuyển giá là vấn đề đáng quan tâm của doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp thường bỏ sót hoặc không biết mình thuộc trường hợp phải kê khai và chuẩn bị bộ hồ sơ liên quan tới chuyển giá. Để nắm rõ mình có thuộc đối tượng quản lý thuế về chuyển giá hay không? Kiểm toán AS sẽ trình bày một số định nghĩa cơ bản về các bên có quan hệ liên kết.
PHÂN LOẠI 5 NHÓM CHÍNH NHƯ SAU
Nhóm một, các công ty có quan hệ về tính sở hữu vốn:
Thứ nhất, “Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia”.
Đây là mối quan hệ hai chiều, có nghĩa một trong hai công ty khi bị sở hữu vốn trên 25% bởi doanh nghiệp kia thì cả hai công ty sẽ thuộc đối tượng về chuyển giá.
Đối với công ty bị nắm giữ vốn thì thông tin sở hữu vốn có thể xem trên giấy phép kinh doanh.
Còn công ty nắm giữ vốn thì phải xem tỷ lệ đầu tư trên các tài khoản kế toán liên quan như: đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, đầu tư dài hạn khác.
Thứ hai, “Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp”.
Đây là mối quan hệ hai chiều thường sẽ bị bỏ sót. Nguyên nhân do các công ty có đầu tư liên doanh, liên kết với nhiều công ty, người làm kế toán sẽ không phát hiện ra được trên các tài liệu kế toán mà chỉ có thể phát hiện ở cấp độ người chủ sỡ hữu.
Thứ ba, “Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia”.
Đây là mối quan hệ hai chiều, chỉ áp dụng cho công ty cổ phần.
Nhóm hai, các công ty có quan hệ về tính quyết định
Thứ nhất, Khi một doanh nghiệp có khả năng chi phối về quyết định kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp kia. Dấu hiệu chính là doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% ban lãnh đạo của doanh nghiệp thứ hai.
Thứ hai, Khi xuất hiện mối quan hệ ba doanh nghiệp thì lưu ý dấu hiệu hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo được chỉ định bởi bên thứ ba.
Nhóm ba, các công ty có quan hệ về tính giao dịch
Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay, và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Nhóm bốn, các công ty có quan hệ về tính quan hệ họ hàng
Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính, và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân, thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ, hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Nhóm năm, các công ty có quan hệ về tính thường trú:
“Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài”.
Tóm lại:
Khi xét thấy doanh nghiệp mình, thuộc mối quan hệ liên kết của một trong năm nhóm trên thì phải xem xét tiếp theo là Công ty mình có mua bán trao đổi qua lại với các Công ty thuộc đối tượng trên hay không? Nếu có, thì phải nghĩ ngay tới việc kê khai và lập hồ sơ liên quan đến chuyển giá.