Dự Phòng Nợ Phải Thu Khó Đòi || Kiểm toán AS

Trong hoạt động kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải trường hợp bán hàng nhưng không thu được tiền. Có muôn vàng lý do không thu được tiền như: bất đồng giao kết giữa bên bán và bên mua; bên mua gặp khó khăn tài chính, bỏ trốn hoặc bị phá sản. 

TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG VÀ XỬ LÝ NỢ PHẢI THU KHÓ ĐÒI

Để giải quyết vấn đề vừa nêu trên, theo thông lệ quốc tế về kế toán và thuế, nhà nước chấp nhận cho doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản phải thu nhưng không thu được tiền.

Từ ngữ thường được sử dụng trong Luật kế toán và Pháp luật thuế là “trích lập dự phòng và xử lý nợ phải thu khó đòi”. Khái niệm này được kế toán Mỹ ghi nhận và áp dụng khoảng năm 1918, kế toán Việt Nam áp dụng khái niệm này vào ngày 01 tháng 01 năm 1996.

Qua nhiều lần thay đổi, với xu thế cởi mở hơn cho doanh nghiệp, hiện tại Bộ Tài Chính Việt Nam đã có hướng dẫn “Dự Phòng Nợ Phải Thu Khó Đòi”, tại Thông tư số 48/2019.

Chúng ta cần nắm vững quy định về “Dự phòng nợ phải thu khó đòi”, để vận dụng và bù đắp một phần chi phí về thuế khi không thu được tiền.

QUY ĐỊNH CỐT LÕI CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM 

Quy định cốt lõi của Pháp luật Việt Nam trong xử lý nợ phải thu khó đòi cần phải nhớ:

Một là: Đối tượng lập dự phòng

Đối tượng lập dự phòng là:

  • Các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán
  • Các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn.

Hai là: Mức trích lập dự phòng

Mức trích lập dự phòng là tỷ lệ phần trăm trên số nợ phải thu quá hạn thanh toán.

Mức trích lập đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán của doanh nghiệp như sau:

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

Đối với doanh nghiệp ngành dịch vụ viễn thông, ngành bán lẻ theo hình thức trả chậm, trả góp của  khách hàng cá nhân, thì mức trích lập dự phòng như sau:

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng.

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, đối với các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán, nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng, xác định cá nhân, tổ chức kinh tế, đã phá sản, đã mở thủ tục phá sản, bị truy tố, bị giam giữ, hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc đã chết, thì doanh nghiệp tự dự kiến mức tổn thất không thu hồi được, nhưng mức tối đa là bằng giá trị khoản nợ đang theo dõi trên sổ kế toán.

Lưu ý thêm, về đối tượng lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, có khá nhiều tranh cãi đối với khoản lập dự phòng phải thu khác và phải thu tạm ứng cho nhân viên, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy có văn bản trả lời chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền. Nhiều quan điểm cho rằng, đây cũng là khoản phải thu và nếu không thu hồi được thì vẫn được trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, 2 khoản này có thu được hay không là việc quản trị nội bộ của công ty, quản lý không tốt thì đó là chi phí mà công ty phải trả, không thuộc đối tượng phải trích lập dự phòng.

Kiểm toán AS vừa điểm qua 2 nội dung cốt lõi trong dự phòng nợ phải thu khó đòi, là đối tượng lập dự phòng, và mức lập dự phòng. Còn một nội dung cần quan tâm nữa là chứng từ, tài liệu cho từng trường hợp lập dự phòng cụ thể theo pháp luật thuế thì như thế nào? 

  

phone
chat zalo chat facebook