ĐỊNH NGHĨA KIỂM TOÁN - KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Kiểm toán là một quá trình của kiểm toán viên thu thập và đánh giá các bằng chứng liên quan đến thông tin tài chính kế toán của doanh nghiệp. Sau đó, kiểm toán viên đưa ra ý kiến về mức độ phù hợp giữa các thông tin kế toán so với các chuẩn mực kế toán kiểm toán đã được ban hành.
Tùy vào nhu cầu, và mục đích khác nhau, có rất nhiều cách để phân loại kiểm toán. Điển hình nhất là phân loại theo mục đích kiểm toán. Có 3 loại như sau:
- Kiểm toán báo cáo tài chính.
- Kiểm toán tuân thủ.
- Kiểm toán hoạt động.
Trong đó, kiểm toán báo cáo tài chính được sử dụng nhiều nhất. Lý do Báo cáo tài chính thể hiện thông tin kế toán có tính bao quát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, và theo quy định doanh nghiệp bắt buộc phải lập báo cáo tài chính hàng năm.
GIÁ TRỊ CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH ĐÃ ĐƯỢC KIỂM TOÁN
Để hiểu rõ hơn về giá trị của báo cáo tài chính đã được kiểm toán, chúng ta cùng tìm hiểu bốn nội dung sau:
Thứ nhất: Kiểm toán báo cáo tài chính là gì?
Theo Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, tóm tắt định nghĩa kiểm toán báo cáo tài chính như sau:
"Kiểm toán báo cáo tài chính, là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, thực hiện kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực, và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán, theo quy định của chuẩn mực kiểm toán."
Thứ hai: Đối tượng nào cần phải kiểm toán báo cáo tài chính?
Luật kiểm toán độc lập yêu cầu 6 đối tượng bắt buộc phải kiểm toán hàng năm gồm:
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tổ chức tín dụng;
- Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm;
- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán;
- Doanh nghiệp nhà nước;
- Doanh nghiệp kiểm toán.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức khác, có thể bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của pháp luật riêng biệt có liên quan, trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Thứ ba: Mục đích của kiểm toán Báo cáo tài chính?
Mục đích chính của kiểm toán báo cáo tài chính là làm tăng độ tin cậy của người sử dụng đối với báo cáo tài chính, thông qua việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến, về việc liệu báo cáo tài chính có được lập và trình bày phù hợp với khuôn khổ chuẩn mực kế toán kiểm toán hay không.!
Tùy vào mục đích của người sử dụng báo cáo kiểm toán, mà báo cáo có thể sẽ nộp cho cơ quan nhà nước; nộp trong các hồ sơ vay vốn, hồ sơ đấu thầu; mua bán doanh nghiệp; kêu gọi vốn đầu tư, hay nộp xin phép dự án kinh doanh.
Thứ tư: Thời hạn nộp báo cáo kiểm toán quy định như thế nào?
Theo Thông tư 200, năm 2014, quy định như sau:
Đối với doanh nghiệp nhà nước:
- Báo cáo tài chính năm nộp chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày.
Đối với các loại doanh nghiệp khác:
- Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày.