Rủi Ro Khi Vay Và Cho Vay || Kiểm toán AS

Việc đi vay và cho vay khá phổ biến ở các doanh nghiệp, tùy vào mục đích sử dụng dòng tiền mà chủ sở hữu sẽ quyết định tài chính doanh nghiệp theo hướng nào. Kiểm Toán AS xin tóm tắt một số rủi ro thường xảy ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh được ghi nhận như sau:

3 VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM KHI VAY VÀ CHO VAY

Thứ nhất, liên quan đến chi phí lãi vay khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp:

Các khoản chi phí lãi vay không được chiết trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, qui định trong thông tư 96 năm 2015 như sau:

  • Lãi vay vượt 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay khi vay của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế.
  • Chi phí lãi vay tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu.
  • Chi phí lãi vay phải vốn hóa theo qui định nhưng không vốn hóa.
  • Lãi vay trích trước đến thời hạn thanh toán nhưng chưa thực chi.
  • Lãi vay trích sai niên độ có thể do ghi nhận theo thời điểm thực trả.
  • Lãi vay không hợp lý, ví dụ như: có tiền mặt mà đi vay, hoặc vay rồi cho vay lại, không tính lãi, hoặc chi phí vay này không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập trong kỳ.
  • Không đáp ứng các chứng từ liên quan tới khoản vay. Chẳng hạn, khi vay, trả nợ vay giữa hai công ty phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; có hợp đồng qui định rõ thời hạn, lãi suất. Trường hợp vay cá nhân, thì có chứng từ khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, là 5% trên số lãi vay phải trả.

Thứ hai, liên quan tới qui định trong nghị định 132 năm 2020, khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

  • Khi công ty có giao dịch liên kết thì sẽ chịu chi phối của nghị định 132 và khi đó chi phí lãi vay thuần tối đa được trừ không vượt quá 30% EBITDA.
  • Chi phí lãi vay vượt quá mức lãi suất giao dịch thị trường, khi xác định theo hồ sơ giá về giao dịch liên kết cũng bị xuất toán trong chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ ba, các trường hợp khác:

  • Doanh nghiệp đi vay các cá nhân, tổ chức không cư trú tại Việt Nam với lãi vay 0%: Trường hợp này được xem là, giao dịch không ngang giá theo qui định của luật quản lý thuế và có thể bị ấn định với mục đích tính thuế nhà thầu về lãi vay.
  • Doanh nghiệp cho vay với lãi vay 0%: Trường hợp này được xem là giao dịch không ngang giá theo qui định của luật quản lý thuế và có thể bị ấn định với mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Các trường hợp được coi như cho vay và tính lãi cho vay vào thu nhập chịu thuế như: có tạm ứng nhưng lâu ngày không hoàn ứng, hoặc có nội dung ứng trước tiền hàng, nhưng không phát sinh giao hàng, không có hợp đồng chứng minh, lâu ngày không thu lại tiền.

Tóm lại: đi vay hay cho vay cần xác định các rủi ro vừa nêu trên nhằm tránh bị truy thu xử phạt về thuế. Các doanh nghiệp thường rất chủ quan trong vấn đề này vì nghĩ rằng vốn đi vay vốn cho vay là quyền tự chủ doanh nghiệp không liên quan đến thuế.

phone
chat zalo chat facebook